Thông tin được Bộ Nội vụ cung cấp trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội ngày 30/9 về việc quản lý cán bộ,ôngchứcsẽđượctrảlươngtheovịtríviệclàbia larue công chức.
Bộ cho biết dự kiến đến quý IV/2023, Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, hướng đến trả lương, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, quy hoạch cán bộ, công chức theo phương pháp này.
Nghị quyết 27 của Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương chưa được thực hiện.
Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Năm 2020 Chính phủ ban hành quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức, căn cứ nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Có hai cách phân loại vị trí việc làm. Đầu tiên là theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm. Cách thứ hai là phân loại theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ.
Theo Bộ Nội vụ, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí.
Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Hồi tháng 7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đốc thúc các bộ ngành sớm xây dựng vị trí việc làm công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ cải cách tiền lương.
Phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 8 khóa 13 sáng 2/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị đại biểu thảo luận về sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024.
Lương công chức, viên chức hiện nay được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Trong đó lương cơ sở căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo ra động lực cho người lao động.
Theo Chính phủ, đến nay ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong ba năm tới (2024-2026).